10 sự kiện bất động sản đáng chú ý năm 2015

1. Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tạo ra bước ngoặc lớn cho thị trường năm 2015. Chính sách này kích thích thị trường trường tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm tồn kho của phân khúc nhà cao cấp và cởi bỏ rào cản tâm lý của chủ đầu tư cũng như khách hàng. Cụ thể, đối tượng áp dụng gồm tổ chức, cá nhân người nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN. Được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.

Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tạo ra bước ngoặc lớn cho thị trường năm 2015


2. Các điều chỉnh Luật có ảnh hưởng tới thị trường bất động sản: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng các dự án bất động sản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao dịch bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch. Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định nhà đầu tư được quyền sản xuất, kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, quy định nhà đầu tư được quyền tự do chuyển nhượng dự án, quy định mức ký quỹ các dự án có sử dụng đất từ 1% - 3% vốn đầu tư.

3. Nới tín dụng bất động sản: Từ 1/2/2015, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã được phép sử dụng tới 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Theo Thông tư 36, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đế cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa như sạu: Ngân hàng thương mại là 60%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 60%; Ngân hàng hợp tác xã là 60%Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 200%. Thông tư này được kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tác động tốt đến lĩnh vực bất động sản mà các DN vẫn còn rất khó khăn khi vay vốn.

4. Chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai: Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS quy định: Chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại VN thực hiện bảo lãnh việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Đây được xem là một bước tiến lớn của pháp luật kinh doanh bất động sản, nhằm bảo vệ người mua nhà khỏi rủi ro “mua vịt giời”, khi chủ đầu tư bán hàng thu tiền xong nhưng không thể triển khai dự án, hoặc dự án xây dang dở thì “đắp chiếu” vô thời hạn giai đoạn trước. Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai bàn giao nhà theo đúng cam kết, phía ngân hàng sẽ đứng ra hoàn trả khoản tiền khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư.

Trong năm 2015, TP. HCM nhận được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản


5. Bất động sản hưởng lợi do hội nhập nền kinh tế toàn cầu: Năm 2015 chứng kiến sự hội nhập kinh tế sâu rộng của VN, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đẩy cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tháng 5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Trong tháng 8, Việt Nam kí hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Sắp tới, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, dự báo sẽ làm tăng tổng sản phẩm nội địa thực của Việt Nam lên từ 0.11% lên 2.11%. Yếu tố liên kết với hàng loạt hiệp định được ký kết, hàng loạt các điều khoản vốn được xem là rào cản trước đây về thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như những nhà đầu tư bất động sản ngoại quốc sẽ trở nên thông thoáng hơn rất nhiều.

Trong năm 2015, TP. HCM nhận được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. Thị trường bất động sản TP.HCM cùng với các hoạt động đầu tư bao gồm FDI và M&A dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tích cực trong thời gian tới.

6. Hạ tầng giao thông cải thiện, thu hút vốn đầu tư: Tháng 6.2015, Sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua tạo nên làn sóng thu hút đầu tư vào bất động sản xung quanh khu vực này. Không chỉ sân bay Long Thành, nhiều doanh nghiệp quan tâm và muốn đổ vốn vào đầu tư các cảng hàng không. Một trong những dự án nhận được nhiều sự quan tâm nhất là dự án xây dựng ga hành khách quốc tế của sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Năm 2015, các đường cao tốc chính thức hoạt động như cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng tạo động lực phát triển cho bất động sản khu vực xung quanh.

7. Bất động sản nghỉ dưỡng đột phá trong năm 2015: Năm 2015 chứng kiến sự ồ ạt đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Chỉ tính riêng Phú Quốc, khoảng 200 dự án, vốn đăng ký hơn 180.000 tỷ đồng đang biến nơi đây thành điểm nóng giao dịch. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có triển vọng tốt nhờ cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, kết nối đường bộ và hàng không ngày càng thuận tiện. Ngoài Phú Quốc, các thành phố ven biển Mũi Né, Bình Thuận, Hội An, Đà Nẵng cũng thu hút với nhiều dự án nghỉ dưỡng cao cấp được chào bán.

8. Phân khúc cao cấp làm chủ thị trường: Thị trường địa ốc những năm qua đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ giữa các phân khúc của căn hộ. Những năm 2008 – 2012, phân khúc bình dân, nhà giá rẻ chiếm ưu thế thì sang 2013, tỷ trọng phân này giảm mạnh. Cụ thể, tại TPHCM, phân khúc bình dân giảm từ 46% (năm 2012) xuống còn 26% (năm 2015); Hà Nội giảm từ 84% xuống còn 28%. Phân khúc cao cấp gia tăng mạnh mẽ, từ 16% lên 36% tại TPHCM, từ 4% lên 29% tại Hà Nội, tính theo cùng thời kỳ.

9. Tồn kho BĐS giảm mạnh: Trước những diễn biến tích cực của thị trường BĐS, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM, lượng bất động sản tồn kho giảm mạnh trong năm 2015. Theo số liệu từ  Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 20/10, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 56.286 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 72.262 tỷ đồng, tương đương giảm 56,21%; so với tháng 12/2013 giảm 38.172 tỷ đồng, giảm 40,41%; so với thời điểm 20/9/2015 giảm 3.109 tỷ đồng.

10. Từ 1/12, DNNN phải đoạn tuyệt với bất động sản, tài chính, không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ... Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định. Quy định này góp phần làm minh bạch hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp bất động sản.


Theo DiaOcOnline.vn