Theo đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đã đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 cho tới nay, đạt 3,43% so với 2,55% năm 2015, đạt 2,38% năm 2014, đạt 1,37% so với năm 2013 và 0,75% so với năm 2012, đồng thời có những tín hiệu khả quan.
Về số lượng hàng tồn kho, theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/3/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng hơn 44.850 tỷ đồng (giảm hơn 3.050 tỷ đồng so với thời điểm 20/2/2016).
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư hơn 6.630 căn (tương đương hơn 9.400 tỷ đồng); nhà thấp tầng hơn 6.560 căn (tương đương hơn 12.210 tỷ đồng); đất nền nhà ở hơn 5.400.550m2 (tương đương hơn 18.920 tỷ đồng); đất nền thương mại 1.483.190m2 (tương đương hơn 4.300 tỷ đồng).
Về dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, tính đến 31/1/2016, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt 394.013 tỷ đồng, tăng 26,07% so với thời điểm 31/12/2014 và tăng 0,31% so với thời điểm 31/12/2015.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2016, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 239,8 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư của cả nước.
Còn theo một báo cáo mới đây từ công ty Cushman & Wakefield, riêng tại Việt Nam, thị trường BĐS vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên rõ rệt vào năm 2015, tăng khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên ở phạm vi đầu tư cá nhân, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thấy nhiều sự tăng trưởng rõ rệt, ví dụ như các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS nhà ở chẳng hạn, tuy nhiên, ở góc độ tổ chức thì các công ty Châu Á hiện đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam.
Thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất.
Theo Trí thức trẻ